Lại Thu Hương (23 tuổi) nhớ lại những ngày còn học cấp 3, đây có lẽ là khoảng thời gian cô bạn cảm thấy áp lực nhất tuổi học trò. Xung quanh Hương, người thân, bạn bè đều luôn quan niệm chỉ có học khối tự nhiên mới giỏi, có thể kiếm ra nhiều tiền.
Nguyễn Văn Lâm (23 tuổi) đã từng ước mơ làm sĩ quan cảnh sát. Nhưng với 27,75 điểm khối C năm ấy, Lâm trúng tuyển nguyện vọng 2 vào Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tự ti vì học khối xã hội
Lớp cấp 3 Hương học là lớp chuyên toán, các bạn cùng lớp ai cũng giỏi các môn tự nhiên. Trong khi đó, cô bạn lại có niềm đam mê văn chương từ lâu, các môn tự nhiên dường như là nỗi ám ảnh đối với Hương.
Lên lớp 11, Hương quyết định chọn quay lại học khối C, một mình đi một con đường riêng, khác biệt với 40 bạn còn lại trong lớp. Thời gian đó, Hương gần như tự tìm hiểu, tự học các môn xã hội ngoài giờ vì giờ chính khóa vẫn học ở lớp chuyên Toán.
Với 24 điểm thi đại học khối C, Hương tiếp tục niềm đam mê thơ văn và ước mơ làm cô giáo khi đăng ký và trúng tuyển vào khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nhưng, “Học Văn ra làm gì?”, “Có phải học dốt toán, lý, hóa mới học văn không?”, “Học khối xã hội có kiếm được tiền đâu mà học?”, “Phải học các trường kinh tế mới giỏi…” là vô vàn những câu hỏi mà Hương phải đối mặt. Đồng thời, cô bạn cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ từ gia đình. Thu Hương đã từng cảm thấy rất tự ti khi có ai hỏi đến việc học khối nào, ngành nào.
Vượt qua rào cản
Năm ấy, khi biết mình trượt nguyện vọng 1, Văn Lâm đã rất buồn. Cả năm nhất tại Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội, Lâm luôn đi học trong tình trạng chán nản. Nhưng đến nay, sau 5 năm nhìn lại, nguyện vọng 2 năm ấy như ngã rẽ cuộc đời. Có lẽ các kiến thức về luật mới đúng là đam mê của Lâm. Hiện tại, Lâm đã là Phó phòng dịch vụ pháp luật hình sự của một công ty luật ở Hà Nội.
Thời gian đó, Lâm đã tự tìm động lực để thôi thúc mình tiếp tục học và tìm hiểu về ngành học, vượt qua rào cản tâm lý của chính mình. Rút ra từ bản thân, Lâm chia sẻ động lực và niềm yêu thích đối với ngành học chính là một trong các yếu tố quyết định đến việc Lâm có thể theo đuổi và hoàn thành chương trình học nói riêng và công việc sau này nói chung.
Bởi lẽ, chỉ có niềm yêu thích với ngành học mới thôi thúc quá trình cậu bạn tự tìm hiểu và nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan. Đồng thời, cũng chỉ có tinh thần cầu thị và niềm yêu thích đối với ngành học mới giúp Lâm có thể duy trì được năng lượng tích cực và thái độ nghiêm túc trong việc học và nghiên cứu.
Tuy nhiên, niềm yêu thích đối với ngành học và động lực phấn đấu không tự nhiên tồn tại mà nó được tạo nên từ những tác động tích cực của ngoại cảnh và quan điểm nhìn nhận của bản thân Lâm.
“Đối với bản thân mình, việc vận dụng các kiến thức học được để giải quyết các công việc, vấn đề thực tế là một trong những động lực thôi thúc mình tiếp tục học và tìm hiểu về ngành học.
Ngoài ra, các hoạt động trong quá trình học như các cuộc thi, các buổi hội thảo hay những chia sẻ của các cá nhân đi trước cũng là một nguồn động lực nhất định thôi thúc mình đi tiếp trên con đường này”, Văn Lâm trải lòng.
Thu Hương khi ấy cũng đã luôn cố gắng trong học tập để chứng minh cho bố mẹ và mọi người xung quanh thấy rằng mình đang đi đúng hướng. Cách để Hương vượt qua rào cản về những định kiến ngành học chính là luôn có niềm tin vào bản thân rằng mình sẽ làm được, luôn nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ để thực hiện ước mơ của mình.
“Khi mình được sống với đúng sở thích và đam mê, mình luôn cảm thấy hạnh phúc, học tập, làm việc cũng thấy hứng thú và dễ dàng hơn”, Hương chia sẻ.
Bên cạnh đó, Hương cũng chọn lựa công việc phù hợp với bản thân là làm gia sư ngay từ năm nhất. Với công việc này, Hương đã tự trau dồi thêm kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, có cho mình một khoản thu nhập ổn định để bố mẹ tin tưởng, đồng thời mỗi ngày đi làm với cô bạn đều là một ngày vui và nhiệt huyết.
Hiểu điểm mạnh, điểm yếu của bản thân
Từ kinh nghiệm của bản thân, Văn Lâm chia sẻ không phải ai cũng may mắn tìm được đam mê của mình để định hướng và theo đuổi. Chính vì vậy, việc xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân có vai trò rất quan trọng khi đưa ra quyết định lựa chọn ngành, chọn nghề mà mình theo đuổi.
Bởi lẽ, theo Lâm, khi xác định được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, mỗi người sẽ có nhìn nhận, đánh giá cơ bản về ngành nghề mong muốn, liệu bản thân có thể đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của ngành, nghề đó hay không.
Mặt khác, việc xác định được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân và việc tìm hiểu về ngành, nghề mong muốn từ sớm cũng là cơ sở để bản thân có những điều chỉnh và rèn luyện. Từ đó có thể khắc phục các điểm yếu và tiếp tục phát huy điểm mạnh vốn có để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của ngành nghề chúng ta hướng tới thực hiện trong tương lai.
Đồng quan điểm với Lâm, Thu Hương cũng cho rằng việc hiểu đúng điểm mạnh, điểm yếu của bản thân sẽ giúp các bạn học sinh lựa chọn được khối học phù hợp để theo đuổi.
Ngoài việc hiểu điểm mạnh, yếu của bản thân để xác định xem khả năng của mình phù hợp với ngành nghề gì, thí sinh cũng cần phải tìm hiểu bản chất của ngành nghề mình sẽ theo đuổi. Từ đó có thể đưa ra lựa chọn ngành nghề và công việc hợp với bản thân mình. Nếu lựa chọn đúng nghề thì chúng ta có thể cháy hết mình với đam mê và cống hiến cho công việc một cách tốt nhất.
“Chúng ta không thể nào bắt một con cá phải leo cây. Mỗi người sinh ra sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu riêng nên điều quan trọng là chúng ta phải thấu hiểu bản thân mình để biết được thế mạnh của mình ở đâu”, Thu Hương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc làm thế nào để xác định được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để từ đó đưa ra lựa chọn đúng cũng là vấn đề phức tạp và chịu tác động của nhiều yếu tố.
Hiện giờ, khi đã ra trường và tư vấn hướng nghiệp cho nhiều học sinh, Thu Hương cũng thường chia sẻ với các em rằng để hiểu bản thân mình, các em nên dành thời gian đánh giá lại những giá trị mà mình đang có. Chúng bao gồm kiến thức, kỹ năng mềm và tính cách cá nhân. Từ đó làm cơ sở để lựa chọn ngành nghề phù hợp.
“Các em có thể tự tìm hiểu qua sách báo, Internet, những người đang hoạt động trong nghề hoặc tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế để có cái nhìn rõ nét hơn về ngành, nghề mình định theo đuổi. Ngoài ra, các em cũng cần tham khảo thêm định hướng từ cha mẹ để có lựa chọn đúng hơn”. Hương nói thêm.
Đối với Lâm, từ đánh giá cá nhân và những thành tích mình đạt được, Lâm dần dần khám phá ra được bản thân mình phù hợp với điều gì. Đồng thời, quá trình thực hành và trải nghiệm trong quá trình học tập, trong cuộc sống chính là cách để Lâm hiểu điểm mạnh, điểm yếu của mình hơn, nhất là ở giai đoạn thực tập, kiến tập khi còn là sinh viên.
Tuy nhiên, Lâm cũng cho biết thêm, không thiếu các trường hợp sau khi trải qua giai đoạn thực tập, người học mới nhận ra được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân không phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo trước đó. Do đó họ cần có sự điều chỉnh lại về việc học tập và những lựa chọn nghề nghiệp để theo đuổi.
“Mình đánh giá đây cũng là sự thành công của việc nhận định được điểm mạnh và yếu trong quá trình học tập để có những điều chỉnh phù hợp. Bởi lẽ, không phải ai cũng được định hướng và lựa chọn ngành học hay nghề nghiệp chính xác ngay ở lần chọn đầu tiên. Nhất là khi lần đưa ra lựa chọn ấy, chúng ta mới chỉ là những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường”, Lâm nói.
TRƯỜNG TRUNG CẤP Y TẾ THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: Số 479, Thống Nhất, P.Tân Thịnh, Tp.Thái Nguyên, Thái Nguyên.
Điện thoại: 097 358 8261 - 0989.259.686